Lịch sử Greenland

Bài chi tiết: Lịch sử Greenland

Dân cư nguyên thủy của Greenland xuất xứ từ vùng Trung Á, nơi các bộ tộc Eskimo tức người Inuit di chuyển bằng đường bộ qua eo biển Bering, qua Alaska rồi đi tiếp tới các đảo ở phía bắc Canada. Từ đó họ đã đi bộ qua eo biển hẹp tới vùng Thule khoảng năm 2.500 trước Công nguyên (vùng mà nhà thám hiểm Hy lạp Pytheas đặt tên cho một hòn đảo mà ông ta đã đặt chân lên khoảng năm 330-320 TCN, không biết đích xác nơi nào, dường như là Iceland hay quần đảo Faroe hay Greenland hay Hålogaland (miền bắc Na Uy). Những người nhập cư đầu tiên này được xem là thuộc nền văn hóa Independence I, theo tên địa điểm mà các di tích khảo cổ đã được tìm thấy.

Tới khoảng năm 1.600 TCN, có một đợt dân nhập cư tới cư ngụ ở dọc theo bờ biển phía tây, thuộc nền văn hóa Saqqaq. Họ sống tại đây trong khoảng 1.000 năm, sau đó dường như họ không chịu nổi sự biến đổi khí hậu nữa.

Sau đó tới nhóm người thuộc nền văn hoá Dorset (văn hoá Paleo-Eskimo) ở thời tiền sử nhập cư vào khu bờ biển phía đông và phía tây, và nền văn hoá này đã biến mất vào khoảng năm 200. Ngày nay còn nhiều di tích khảo cổ tại các nhà bảo tàng địa phương ở Greenland. Từ đó về sau, dường như không hề có người sinh sống trên hòn đảo này trong 8 thế kỷ.

Những nông dân Iceland dưới sự lãnh đạo của Erik Đỏ (Eirik Raude) tới Greenland vào khoảng năm 982. Họ đã lập ra ba khu định cư ở Brattahlid gần mũi cực tây nam hòn đảo, và chính họ đã đặt tên cho đảo là Grønland (Greenland). những nơi này đã phát triển nhanh chóng trong vài thế kỷ sau đó, và đã biến mất sau hơn 450 năm có người sinh sống.

Đợt dân nhập cư cuối cùng xảy ra khoảng năm 1.200 và những di dân này là tổ tiên của dân cư Greenland hiện nay.

Thời ấy, các vịnh hẹp (fjords) ở phần phía nam hòn đảo có hệ động thực vật phát triển và khí hậu ấm hơn, có lẽ vì thế nó được gọi là Giai đoạn ấm Trung Cổ. Các cộng đồng xa xôi đó đã phát triển, và sinh sống bằng việc đồng áng, săn bắn cũng như buôn bán với mẫu quốc. Dường như những người tới định cư sống khá hoà thuận với người Inuit, họ đã di cư về phía nam từ các đảo Bắc Cực của Bắc Mỹ từ khoảng năm 1200. Năm 1261, Greenland trở thành thuộc địa của Vương quốc Na Uy. Tới lượt mình Na Uy lại tham gia vào Liên minh Kalmar năm 1397 và sau này là Liên minh Đan Mạch-Na Uy.

Sau gần năm trăm năm, những người định cư Scandinavia đã biến mất, có lẽ vì nạn đói trong thế kỷ 15 ở thời Băng hà nhỏ, khi các điều kiện khí hậu trở nên khắc nghiệt hơn, và tiếp xúc với Châu Âu bị gián đoạn. Xương cốt thời kỳ này được tìm thấy ngày nay cho thấy những bằng chứng ủng hộ điều đó. Một số người tin rằng những người định cư đã biến mất vì bệnh dịch hạch hay bị người Inuit tiêu diệt. Các nhà sử học đã chỉ ra rằng những tên cướp biển người Basque hay người Anh hay những kẻ buôn bán nô lệ từ Bờ biển Barbary đã góp phần vào sự biến mất của những cộng đồng tại Greenland.

Năm 1721, mục sư người Na Uy gốc Đan Mạch Hans Egede, được vua Frederik IV của Đan Mạch phái tới Greenland để tìm các cư dân Bắc Âu, nhưng không thấy, mà chỉ gặp dân Inuit, ông ta bắt đầu truyền giáo, khiến họ cải sang Kitô giáo. Hans Egede đặt nền móng cho thành phố Nuuk (nay là thủ phủ của Greenland), vừa truyền giáo vừa buôn bán nhân danh vua Đan Mạch.

Đan Mạch-Na Uy tái xác nhận tuyên bố chủ quyền của họ với thuộc địa này năm 1721. Các mối quan hệ của hòn đảo với Na Uy trở nên xấu đi sau Hòa ước Kiel năm 1814, theo đó Thuỵ Điển giành được quyền kiểm soát toàn bộ nước Na Uy trong khi Đan Mạch giữ lại toàn bộ quyền sở hữu những vùng bên ngoài (thời ấy gồm các lãnh thổ nhỏ tại Ấn Độ, Tây PhiTây Ấn, cũng như Quần đảo Faroe, Iceland và Greenland.

Na Uy chiếm và tuyên bố chủ quyền nhiều phần (khi ấy không có người ở) ở phía Đông Greenland còn gọi là Erik the Red's Land vào tháng 7 năm 1931, cho rằng đó là Vùng đất không thuộc chủ quyền của một bên nào (Terra nullius). Na Uy và Đan Mạch đã đồng ý giải quyết vấn đề tại Toà án luật pháp quốc tế năm 1933, toà xử Na Uy thua cuộc.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Greenland là một trạm trung chuyển hàng không quan trọng của phe Đồng Minh, để chở hàng tiếp liệu từ Hoa Kỳ sang Anh. Các nguồn tiếp liệu từ Đan Mạch bị cắt đứt từ ngày 9 tháng 4 năm 1940 khi Đan Mạch bị Đức chiếm đóng, và Greenland tự quản lý các công việc của mình. Nhờ có cryolite khai thác ở mỏ Ivigtut, Greenland có khả năng chi trả cho những mặt hàng mua từ Hoa Kỳ và Canada. Trong chiến tranh hệ thống chính phủ đã thay đổi. Eske Brun là thủ hiến và người cai trị hòn đảo thông qua một điều luật năm 1925 liên quan tới việc quản lý hòn đảo khi, dưới những trường hợp đặc biệt, các vị thủ hiến không thể nắm quyền kiểm soát. Vị thủ hiến khác, Aksel Svane, được phái tới Hoa Kỳ với tư cách lãnh đạo uỷ ban cung cấp Greenland. Đơn vị tuần tra Sirius Patrol, canh gác các bờ biển phía đông bắc Greenland sử dụng các xe chó kéo, đã phát hiện và phá huỷ nhiều trạm dự báo thời tiết của Đức, khiến Đan Mạch có được một vị trí tốt hơn trong giai đoạn hỗn loạn thời hậu chiến.

Tới tận năm 1940, Greenland vẫn là một xã hội được bảo vệ và vì vậy cũng là một xã hội biệt lập. Chính phủ Đan Mạch, cai quản thuộc địa Greenland, tin rằng xã hội này sẽ phải đối mặt với sự khai thác từ thế giới bên ngoài, thậm chí là bị diệt chủng nếu được mở cửa. Dù trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ở Greenland đã phát triển một tinh thần tự cường trong giai đoạn tự quản lý và thông tin độc lập với thế giới bên ngoài.

Tuy nhiên, năm 1946 một uỷ ban (với sự tham gia của hội đồng cấp cao nhất của Greenland) đề xuất sự kiên nhẫn và không đưa ra những sửa đổi quá triệt để với hệ thống này. Hai năm sau, bước đầu tiên nhằm tiến tới một chính phủ ở Greenland được khởi động khi một uỷ ban quan trọng được thành lập. Năm 1950 bản báo cáo (G-50) được đệ trình. Greenland muốn trở thành một xã hội hiện đại và thịnh vượng với Đan Mạch vừa là hình mẫu, vừa là nước đỡ đầu. Năm 1953 Greenland trở thành một lãnh thổ bình đẳng bên trong Cộng đồng Vương quốc Đan Mạch (Rigsfælleskab).

Năm 1979, Greenland được trao thể chế tự trị.

Sau ba thế kỷ là một phần lãnh thổ của Đan Mạch, ngày 21 tháng 6 năm 2009, Greenland chính thức tiếp quản quyền điều hành lực lượng cảnh sát và tòa án của hòn đảo cùng với việc tiếp quản này, chính quyền đảo Greenland sẽ được thu phần lớn hơn trong việc khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên tại đảo và được luật pháp quốc tế đối xử như một thực thể độc lập với ngôn ngữ chính thức là tiếng Kalaallisut chứ không còn là tiếng Đan Mạch.[4]